Truy cập nội dung luôn

Chứng nhận OCOP đưa thương hiệu bánh tẻ "vươn xa"

Trong số 25 sản phẩm OCOP hiện có của huyện Phú Bình thì bánh tẻ của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Anh Đức, xã Thanh Ninh là sản phẩm OCOP đầu tiên được chế biến từ gạo tẻ - nông sản thế mạnh của địa phương được coi là vựa lúa của tỉnh Thái Nguyên. Việc được chứng nhận OCOP không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng, mà còn mở ra cơ hội để sản phẩm này đến với người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Khâu ráo bột yêu cầu nhiều kỹ thuật tỉ mỉ trong việc điều chỉnh lửa và khuấy đều tay

Đến thăm HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức vào một ngày tháng Sáu, mặc dù không phải là cao điểm của mùa cưới hỏi, cỗ bàn, nhưng bà Trương Thị Nụ, Giám đốc HTX vẫn không ngừng tay gói bánh cho khách. Bà Nụ chia sẻ: “Liên tục từ tết Nguyên đán đến nay hầu như ngày nào HTX cũng có đơn đặt hàng, trong đó đơn nhiều nhất khoảng 5.000 chiếc. Bánh được bán với giá dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/cái tùy nhu cầu của từng khách hàng. Trước đây, bánh của HTX chỉ được tiêu thụ trong huyện với những đơn hàng phục vụ các đám cỗ quy mô nhỏ. Nhưng từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm của chúng tôi đã được khách hàng trong, ngoài tỉnh biết đến, có những đơn hàng vận chuyển tận miền Nam”.

Một trong những yếu tố để sản phẩm bánh tẻ “bay xa” chính nhờ sự thay đổi về quy trình sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức theo chu trình OCOP. Theo đó, thay vì luộc chín bánh trước khi bán, thì nay HTX đóng gói hút chân không bánh sống ngay sau khi gói, cấp đông trong tủ bảo ôn và đưa đến tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, thời gian bảo quản bánh có thể kéo dài từ 30 - 40 ngày và người tiêu dùng cũng có thể chủ động thời gian sử dụng bánh. Không chỉ vậy,  HTX còn đầu tư thêm các loại máy móc phục vụ sản xuất như: Máy thái thịt, máy hút chân không, nồi hơi, tủ bảo ôn, nhà xưởng sản xuất…, nhờ đó vừa rút ngắn thời gian làm bánh, vừa giảm được nhân công lao động. Từ một nghề phụ, hiện nay nghề làm bánh tẻ của HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức đã tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Thịt, mộc nhĩ và hành - nguyên liệu làm nhân bánh được lựa chọn cẩn thận

Với việc thay đổi hình thức sản xuất và đầu tư máy móc hiện đại, HTX có thể nhận các đơn hàng lên đến hàng nghìn chiếc. Từ đầu năm 2024 đến nay, HTX đã xuất ra thị trường hơn 15.000 chiếc bánh, tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm 2023, khi sản phẩm chưa được chứng nhận OCOP. Ngoài đơn hàng phục vụ các đám cỗ nhỏ, đám cưới hỏi, bánh tẻ của HTX còn có trong thực đơn của các hội nghị, sự kiện quan trọng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh, những chiếc bánh tẻ thơm ngon, đậm đà của HTX đã được tiêu thụ đến các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, thậm chí vào tận miền Nam, trở thành món quà quê được nhiều người ưa chuộng... Chị Nguyễn Thị Thủy, một người dân gốc Thái Nguyên sống tại tỉnh Long An cho biết: “Là người đã từng đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món bánh khác nhau, nhưng tôi thấy bánh tẻ của HTX Anh Đức có hương vị rất riêng. Độ dẻo dai của bánh, vị của nhân vừa vặn, kết hợp với mùi thơm của lá dong khiến tôi thực sự ấn tượng. Vì thế, mỗi lần về quê, tôi lại lựa chọn bánh tẻ để làm quà biếu tặng anh em, bạn bè ở Long An và Thành phố Hồ Chí Minh”.

Gói bánh tẻ tại HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức

Khi đã được công nhận là sản phẩm OCOP, HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Để sản phẩm giữ được hương vị, bản sắc riêng của vùng quê Phú Bình, từ nguyên liệu chế biến (gạo, nhân bánh), đến lá bánh và lạt buộc bánh đều được lựa chọn kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Trong đó, nguyên liệu được coi như cái “hồn” để làm bánh, tạo ra mùi vị khác lạ với các loại bánh khác. Để làm ra những chiếc bánh tẻ ngon, HTX phải kỹ lưỡng trong từng công đoạn. Theo bà Trương Thị Nụ: Gạo làm bánh phải là gạo U17, vì loại gạo này có độ dẻo, không dính. Trong quá trình sản xuất, khâu ráo bột có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng bánh. Sau khi nghiền xong, bột được đổ vào một nồi gang và đặt trong chậu nước rồi đưa lên bếp; bột được khuấy đều tay liên tục trong khoảng 3 tiếng đến khi cô đặc. Ngoài phần bột bánh, nhân bánh cũng được lựa chọn từ những nguyên liệu như thịt vai, mộc nhĩ, hành đảm bảo chất lượng, cân đối theo tỷ lệ và nêm gia vị vừa phải trước khi gói. Bà Nụ cũng cho biết: Khi gói bánh ngoài việc đảm bảo độ đồng đều còn phải khéo léo để nhân bánh nằm giữa bên trong vỏ bánh thì chiếc bánh mới đẹp mắt và đạt tiêu chuẩn. Mỗi chiếc bánh ngon được làm ra đòi hỏi sự tinh tế, cẩn thận trong từng công đoạn, kinh nghiệm và bí quyết gia truyền của người làm nghề.

Bánh được hút chân không và bảo quản trong tủ bảo ôn ngay sau khi gói

Đánh giá về sản phẩm bánh tẻ của HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đức, bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: Đây là sản phẩm OCOP chế biến sâu, được đánh giá cao về chất lượng cũng như triển vọng phát triển. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quảng bá sản phẩm này qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng, góp phần đưa sản phẩm “vươn xa” đến các thị trường trong cả nước.

CTV Nguyễn Chi
thainguyen.gov.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này